top of page
Writer's pictureThư Phạm (Helen)

04 đúc kết của mình về cuốn The Psychology of Money - Book review

Updated: Mar 20, 2022

Mình biết quyến sách thông qua lời giới thiệu của 02 Youtuber khá nổi tiếng là Ali Abdaal [https://www.youtube.com/c/aliabdaal] và Vui lên [https://www.youtube.com/c/VuiLên11]. Trước giờ mình luôn rất hứng thú để đọc các quyển sách có chủ đề liên quan đến tâm lý học và tài chính. Vậy là mình gặp đúng cuốn sách này “Tâm lý học về tiền”, mình đã đọc ngay.

Cá nhân mình đã đúc kết được khá nhiều bài học thú vị từ quyển sách. Vậy nên dưới đây mình sẽ ghi chú lại những bài học ấn tượng nhất mà mình muốn lưu giữ lại.


1. Mỗi người có cách sử dụng tiền khác nhau, và không ai là điên cả.

Tác giả cho rằng mỗi người chúng ta có hoàn cảnh sống và thế giới quan khác nhau, từ đó dẫn đến cách sử dụng tiền cũng khác nhau. Vậy nên, mình không nên phán xét cách dùng tiền của bất kỳ ai cả vì mình không đủ hiểu họ. Ví dụ người có 100 tỷ trong tay thì việc họ mua cái túi xách 02 tỷ đối với họ cũng là bình thường, hoặc dù họ có 03 tỷ họ cũng có thể mua chiếc túi 02 tỷ vì nhu cầu công việc và muốn thể hiện bản thân. Mọi sự phán xét chỉ dựa trên "khẩu vị cá nhân" của mình là vô cùng khập khiển.


2. Đừng đánh giá thấp vai trò của sự may mắn

Có một đoạn trong quyển sách đã thực sự ám ảnh mình, điều này khắc họa vai trò của sự may mắn sâu sắc, mình tạm dịch như sau:


Có người được sinh ra trong một gia đình khuyến khích giáo dục, ngược lại có những người sinh ra trong một gia đình kiềm hãm việc học hành của con cái. Có người được sinh ra trong một nền kinh tế phát triển và khuyến khích khởi nghiệp, nhưng có người lại sinh ra trong nghèo đói và chiến tranh. Tôi muốn bạn thành công, tôi muốn bạn giàu có. Nhưng đừng quên rằng, không phải sự thịnh vượng nào cũng bắt nguồn từ việc chăm chỉ và không phải sự nghèo đói nào cũng bởi vì lười biến. Vậy nên, đừng vội đánh giá một người nào đó, kể cả chính bản thân bạn.

3. Một trong những mục đích quan trọng của việc kiếm tiền là để đổi lấy “sự tự do” và “sự thoải mái”

Tác giả cho rằng chúng ta cần tiền để đổi lấy sự tư do và sự thoải mái, dù tiền để đi bất kỳ đâu chúng ta muốn, mua bất cứ món đồ gì chúng ta thích, có thể từ chối làm những điều chúng ta không muốn làm,... Tiền chính là vật trao đổi cho sự tự do và sự thoải mái.


Tư duy về tiền và tự do có thể thay đổi quyết định đầu tư của một cá nhân. Giả sử, một người nào đó có 100K$, người này có thể chọn giữa việc mua một căn nhà để ở hoặc dùng 100K$ này để tham gia vào thị trường crypto. Việc mua nhà có thể có khả năng sinh lợi thấp hơn nhưng nó “an toàn hơn” và khiến một cá nhân “thoải mái, tự do” hơn là việc đầu tư vào crypto có lợi nhuận cực cao nếu thành công nhưng có thể khiến người này mất ăn mất ngủ vì sợ mất tiền. Cuối cùng người này chọn mua nhà.


Vậy nên, không phải tất cả các quyết định tài chính đều dựa trên khả năng sinh lợi, mà nó có thể dựa vào nhu cầu về “sự tự do” và “sự thoải mái” của một người. Riêng tác giả thì cho rằng, chúng ta nên ưu tiên chọn các quyết định tài chính mà nó có thể khiến chúng ta “ngủ ngon”.


4. Tư duy về tiền của chúng ta sẽ luôn thay đổi, vì thế hãy cố gắng hạn chế những quyết định cực đoan về tiền có thể khiến chúng ta hối hận về sau

Thế giới quan của con người luôn thay đổi theo thời gian. Ví dụ một người ở độ tuổi 25 tuổi, họ quyết định sau này sẽ không lập gia đình và không sinh con. Vì vậy họ nghĩ họ sẽ không cần phải tiết kiệm mà sẽ dùng toàn bộ số tiền mình có được để tận hưởng cuộc sống. Và rồi đến năm 35 tuổi thì họ thay đổi, họ muốn lập gia đình và sinh con. Tuy nhiên lúc này họ không có tiền tiết kiệm để lo cho gia đình và con cái tốt nhất vì những năm tuổi trẻ họ đã không tiết kiệm, vậy nên họ phần nào rơi vào bế tắt.


Chính vì điều đó, để hạn chế những kết cục tài chính cực đoan trong tương lai, tác giả cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào, thời điểm nào, dù mình đang có một tư duy về tiền như thế nào, thì vẫn nên có một khoản tiết kiệm dự phòng. Khoản này giống như một loại quỹ “phòng ngừa những thay đổi trong tư duy tài chính”. Quỹ dự phòng này sẽ bảo vệ chúng ta trước những kết cục cực đoan.


Tóm lại, mình đã học được những bài học quý giá từ quyển sách, mình đã đọc bản tiếng Anh cho quyển sách này, từ vựng khá thông dụng và gần gũi. Các bạn có thể tìm mua trên Amazon Kindle hoặc mua bản tiếng Việt có tên là “Tâm lý học về tiền”. Chúc các bạn sẽ có trải nghiệm thú vị khi đọc quyển sách này.

コメント


bottom of page